Tìm hiểu về thuốc cổ truyền

Thuốc cổ truyền đã xuất hiện từ lâu tại nước ta. Nước ta có nhiều vùng miền như miền núi, miền biển, đồng bằng và cao nguyên. Đây chính là cơ sở cho nguồn dược liệu được phân bố rộng rãi nhiều chủng loại phong phú, phần lớn đã được sử dụng từ lâu trong y học truyền thống, có bề dày lịch sử hàng nghìn năm nay.

Thuốc cổ truyền là gì?

Thuốc cổ truyền (thuốc Đông y) có nguồn gốc từ thực vật, động vật và khoáng vật.

Thuốc cổ truyền là thuốc có thành phần dược liệu được chế biến, bào chế hoặc phối ngũ theo lý luận và phương pháp của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian thành chế phẩm có dạng bào chế truyền thống hoặc hiện đại. Thuốc cổ truyền trong y học cổ truyền có nhiều loại với công dụng khác nhau mà khi sử dụng bạn cần sử dụng theo đơn kê và dưới sự giám sát, theo dõi của bác sĩ.

Các loại thuốc cổ truyền

Các loại thuốc cổ truyền được dùng để chữa bệnh hiện nay

Thuốc sắc: Là chế phẩm thuốc dạng lỏng được bào chế từ một hay nhiều vị thuốc bằng cách sắc với nước sạch ở nhiệt độ 100°C hoặc thấp hơn trong một thời gian nhất định để uống hay dùng ngoài.

Thuốc tán: Là chế phẩm thuốc dạng khô, tơi, được bào chế từ một hay nhiều vị thuốc, được chế biến và phối ngũ theo phương pháp y học cổ truyền bằng cách tán mịn, rây qua cỡ rây thích hợp, trộn đều để uống hay dùng ngoài.

Thuốc hoàn: Là chế phẩm thuốc dạng rắn, hình cầu được bào chế từ bột dược liệu, dịch chiết dược liệu (đã được chế biến và phối ngũ từ các vị thuốc theo phương pháp y học cổ truyền) với tá dược dính theo khối lượng quy định, dùng để uống.

Chè thuốc: Là chế phẩm thuốc dạng rắn được bào chế từ một hay nhiều vị thuốc (đã được chế biến và phối ngũ theo phương pháp y học cổ truyền), phân chia đến mức độ nhất định, đóng gói nhỏ và sử dụng dưới dạng nước hãm để uống hay dùng ngoài.

Cốm thuốc: Là chế phẩm thuốc dạng rắn được bào chế từ bột dược liệu, dịch chiết dược liệu (đã được chế biến và phổi ngũ từ các vị thuốc theo phương pháp y học cổ truyền) với tá dược để tạo thành hạt cốm theo kích cỡ nhất định dùng để uống.

Rượu thuốc: Là chế phẩm thuốc dạng lỏng được bào chế bằng phương pháp chiết xuất dược liệu (đã được chế biến và phối ngũ theo phương pháp y học cổ truyền) với rượu trắng để uống hay dùng ngoài.

Cao thuốc: Là chế phẩm thuốc dạng lỏng hay đặc được bào chế bằng cách cô đến thể chất nhất định dịch chiết thu được từ dược liệu (đã được chế biến và phối ngũ theo phương pháp y học cổ truyền) với dung môi thích hợp bằng những phương pháp chiết xuất thích hợp, dùng để uống hay bào chế các dạng thuốc khác.

Siro thuốc: Là chế phẩm thuốc dạng lỏng được bào chế bằng cách cô đến thể chất nhất định dịch chiết thu được từ dược liệu (đã được chế biến và phối ngũ theo phương pháp y học cổ truyền) với dung môi thích hợp và bằng những phương pháp chiết xuất thích hợp kết hợp với lượng đường thích hợp để uống.

Thuốc viên: Là chế phẩm thuốc dạng rắn được bào chế từ bột hay dịch chiết dược liệu (đã được chế biến và phối ngũ từ các vị thuốc theo phương pháp y học cổ truyền) với các tá dược thích hợp để tạo thành các loại viên khác nhau (viên nén, viên bao, viên nhộng...) để uống.

Bài viết cùng danh mục